Giá trị của một lời nói khích lệ là gì ?
Tôi luôn muốn trở thành một người vẽ tranh biếm họa, nhưng không biết phải bắt
đầu như thế nào.
Vào tháng giêng, 1986, khi xem chương trình “Funny Business” trên TV tôi mới
nghĩ đến việc viết thơ cho Jack Cassady, người dẫn chương trình biếm họa đó để
hỏi ông cách thức bước vào nghề này.
Vài tuần sau, tôi nhận được một lá thư viết tay từ Jack, trả lời mọi câu hỏi
nhỏ nhặt nhất của tôi về những vật liệu và tiến trình cần thiết. Ngoài sự khích
lệ, ông còn cảnh báo tôi rằng, lúc đầu tôi có thể sẽ bị từ chối, nhưng khuyên
tôi đừng nản lòng nếu điều đó xảy ra. Ông nói những mẫu biếm họa mà tôi gửi cho
ông rất khá và đáng được đăng tải.
Tôi thấy phấn khởi lắm, vì tôi biết những gì mình cần phải làm. Tôi lập tức gởi
đến tòa soạn báo Playboy và New York những bức vẽ biếm họa ăn ý nhất của tôi.
Nhưng hai tờ báo này đã lập tức từ chối bằng những lá thư lạnh lùng, loại thư
khước từ đã đánh máy sẵn. Thất vọng, tôi đặt tất cả họa cụ của mình vào hộc tủ
và quyết định quên đi cái nghề vẽ tranh biếm họa.
Vào tháng 6 năm 1987 tôi nhận được một lá thư khác từ Jack Cassady. Tôi rất
ngạc nhiên, bởi tôi vẫn chưa gởi thư cảm ơn Jack về những lời khuyên của ông
lúc trước. Sau đây là một nội dung của lá thư đó :
Scott thân mến,
Trong lúc duyệt lại những thư từ cho chuong trình “Funny Business” của mình,
tôi tìm thấy lá thư và những bản biếm họa mẫu mà em đã gởi cho tôi. Tôi nhớ là
mình đã trả lời thư của em.
Tôi viết vài hàng đây để khích lệ em gởi những sáng kiến của em tới các nhà
báo. Tôi hy vọng em đã làm thế và hiện đang kiếm tiền với công việc mà em yêu
thích.
Đôi lúc, sự khích lệ trong nghề biếm họa cũng rất cần thiết. Cho nên tôi muốn
em nhẫn nại và tiếp tục niềm vui của mình.
Chúc em có được nhiều may mắn, nhiều cơ hội làm ăn và nhiều bức vẽ độc đáo.
Chân thành, Jack.
Lá thư của Jack khiến tôi rất cảm động, nhất là khi tôi biết Jack không lợi lộc
gì từ việc này, ngay cả một lời cảm ơn của tôi cũng không có. Thế là tôi lôi
các họa cụ của mình ra và khởi sự một loại tranh vẽ mà sau này mang tên là
Dilbert, một chuyện biếm họa rất ăn khách. Hiện nay, đã có đến bảy trăm tờ báo
và sáu cuốn sách đăng tải Dilbert, và mọi việc trôi chảy tốt đẹp trong làng
Dilbertville.
Có một điều tôi biết chắc, đó là, tôi đã không quay lại với công việc vẽ tranh
biếm họa nếu Jack không gởi cho tôi lá thư thứ hai. Với vài lời nói khích lệ và
một con tem, ông đã khiến rất nhiều việc xảy ra. Khi Dilbert thành công, tôi
mới hiểu được giá trị to lớn của hành động khích lệ giản dị của Jack. Cuối cùng
tôi cũng đã gởi thư cám ơn ông, nhưng tôi không thể xóa bỏ được cảm giác rằng
tôi đã được ban cho một món quà mà tôi không bao giờ có thể đền đáp. Hai chữ
“cám ơn” dường như không đủ vào đâu cả. Thật vậy, sau này tôi mới hiểu là có
những món quà mà chỉ có thể cho đi, chứ không thể được đền đáp.
Tôi kỳ vọng ít nhất là một triệu người sẽ đọc lá thư này. Có lẽ nhiều người
trong chúng ta đều có kinh nghiệm về lợi ích của một lời nói khích lệ. Tôi mong
các bạn sẽ làm một việc như thế trong năm nay, và làm thế qua giấy mực lại càng
có tác dụng lớn lao hơn. Hãy làm như thế đối với một người mà bạn không thể kỳ
vọng được đền đáp.
Hãy ban tặng sự khích lệ tới gia đình và bạn bè của bạn, bởi niềm vui của họ
cũng là niềm hạnh phúc của bạn. Và luôn nhớ rằng, không có cử chỉ tốt đẹp nào
là nhỏ bé. Mọi hành động đều tạo ra một phản ứng dây chuyền bất tận.
Scott Adams